Journal Article View
 

Lớp 4C giới thiệu truyện tranh: “TẤM CÁM”

Việt Nam có một kho tàng truyện cổ tích vô cùng đa dạng và phong phú. Mỗi truyện cổ tích không đơn thuần mang giá trị giải trí mà ẩn chứa trong đó là những bài học bổ ích mang tính giáo dục cao. Do đó, hầu hết các bạn thiếu nhi đều được ông bà, cha mẹ, thầy cô kể cho nghe những câu chuyện cổ tích.

         Đây là tập truyện tranh in màu dành cho thiếu nhi kể về câu chuyện cổ tích quen thuộc nhất : Tấm Cám.

         Cuốn sách do nhà xuất bản Mỹ Thuật phát hành. Được in trên khổ giấy có chiều dài là 23cm, chiều rộng là 16 cm. Bìa sách được làm bằng giấy bóng cứng. Bên ngoài cuốn sách được trang trí bằng màu xanh lá cây là chủ đạo. Tên sách TẤM CÁM được in đậm màu đỏ nổi bật trên nền bìa màu xanh Phía trên cùng là dòng chữ tranh truyện cổ tích Việt Nam. Phía dưới in logo và tên nhà xuất bản Mỹ Thuật. Nổi bật ở giữa trang bìa là hình ảnh quen thuộc, của cô Tấm hiền hậu với bộ quần áo màu nâu vá. Cô đang cầm bát cơm đứng bên cạnh giếng nước để cho cá bống ăn. Phía sau là hình ảnh lũy tre  đặc trưng của làng quê Việt Nam. Các bạn có thể thấy thấp thoáng đứng núp sau lũy tre là cô Cám đanh đá, độc ác. Các trang sách của cuốn truyện đều được in màu bắt mắt. Mỗi trang đều được thiết kế 2 phần đó là phần hình ảnh được in màu để minh họa cho nội dung chuyện và phần chữ ở phía đước để các bạn đọc.

     Truyện kể về cuộc đời và số phận của Tấm, một cô gái xinh đẹp, dịu hiền, nết na nhưng gặp nhiều bất hạnh. Tấm mồ côi mẹ và sau đó là cha ngay từ khi còn rất bé. Tấm phải sống với dì ghẻ hết sức cay nghiệt và Cám - đứa em cùng cha khác mẹ vốn rất xấu tính, xấu nết. Tấm không chỉ phải vất vả làm lụng mà còn bị mẹ con Cám hành hạ, đoạ đầy. Mẹ con Cám từng lập mưu lấy đi phần thưởng là chiếc yếm đó của Tấm, ăn thịt cá Bống của Tấm. Mụ dì ghẻ còn ác độc bắt Tấm nhặt riêng thóc và gạo để không cho Tấm đi hội. Nhưng mỗi lần như vậy Tấm đều được Bụt hiện lên giúp đỡ và cuối cùng trở thành hoàng hậu.

       Nhưng sự hãm hại của hai mẹ con Cám chưa phải đến đó đã hết. Nhân lần Tấm về làm giỗ bố, mẹ con Cám lừa giết chết Tấm rồi đưa Cám vào cung. Tấm không chết hẳn mà biến hoá qua nhiều dạng: vàng anh ,xoan đào , khung cửi ,quả thị, cuối cùng Tấm trở lại thành người, được vua nhận ra qua miếng trầu têm cánh phượng. Tấm trở về cung lừa dội nước sôi cho Cám chết. Ít lâu sau mụ dì ghẻ cũng chết theo.

     Truyện Tấm Cám trước hết phản ánh mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ. Đó là mâu thuẫn mẹ ghẻ - con chồng. Nhưng bao quát hơn là xung đột giữa cái Thiện và cái ác mà kết cục bao giờ cái Thiện thắng cái ác dù phải trải qua nhiều gian khổ, khó khăn, nhiều thử thách bằng cái chết. Điều đó phản ánh ước mơ cháy bỏng của nhân dân lao động về một tương lai tươi đẹp cho những con người nghèo khổ bất hạnh. Nói cách khác, đó chính là triết lí dân gian: "ở hiền gặp lành", "ác giả ác báo", "thiện giả thiện báo", là ước mơ công lý nhân dân.

          Tấm Cám là truyện cổ tích thần kì tiêu biểu, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc thể hiện bằng những biện pháp nghệ thuật độc đáo. Chính vì vậy, nó có một sức hấp dẫn đặc biệt và trường tồn trong cuộc sống người việt.


No comments yet. Be the first.

Others: